• Theo dõi Orgalife tại
Dinh dưỡng điều trị

Cá thể hóa chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn

Thận là cơ quan nội tiết quan trọng. Suy giảm chức năng thận sẽ kéo theo nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính đòi hỏi chế độ dinh dưỡng đặc biệt để ngăn chặn diễn tiến bệnh và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả.

1. Bệnh thận mạn là gì?

Bệnh thận mạn hay còn gọi là suy thận mạn là bệnh lý mạn tính với tình trạng thận hoạt động kém hơn bình thường. Bệnh có thể tiến triển nặng hơn và dẫn đến chạy thận nhân tạo (lọc thận). Bệnh thận mạn thường là hậu quả của nhiều tình trạng sức khỏe khác gây áp lực lên thận như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol, viêm cầu thận, tắc nghẽn…1

Hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mạn nhưng việc điều trị và quản lý lối sống, bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.1-4

Khi thận hoạt động kém sẽ dẫn đến sự tích tụ dịch và khoáng trong cơ thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe (tim mạch, xương…). Vì vậy, người bệnh thận mạn cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tránh làm bệnh diễn biến xấu hơn:

- Giới hạn chất lỏng và khoáng2,3,5-8

- Nhu cầu đạm (protein) thay đổi:

  • Hạn chế protein trước lọc thận2-4
  • Tăng cường protein khi lọc thận5-8

2.  Kiểm soát dịch và khoáng ở người bệnh thận mạn

2.1. Kiểm soát lượng dịch nạp vào

Ở người bệnh thận mạn, khả năng bài xuất nước giảm nên việc dung nạp nhiều dịch có thể dẫn đến sự tích tụ gây phù, tăng huyết áp và suy tim.3 Do đó, việc kiểm soát lượng dịch nạp vào là một trong những yếu tố then chốt để kiểm soát bệnh thận mạn.

Một số cách kiểm soát lượng dịch nạp vào có thể kể đến như:

- Xác định tổng nhu cầu dịch mỗi ngày và chia đều cho tất cả nguồn dịch tiêu thụ:7 nước lọc, cà phê, trà, nước canh, trái cây…

- Nhai kẹo cao su hoặc ngậm một viên đá lạnh khi khát để hạn chế uống nước.

- Hạn chế ăn mặn và thực phẩm nhiều muối để tránh làm khát nước.7,8

2.2. Hạn chế kali vì tăng kali máu có thể gây loạn nhịp tim

Do khả năng đào thải kali kém nên người bệnh thận mạn thường bị tích tụ và tăng kali máu.2,3 Điều này gây bất lợi vì tăng kali máu có thể gây co cứng cơ, suy nhược, loạn nhịp tim - đe dọa tính mạng bệnh nhân.7,8 Do đó, bệnh nhân cần thay thế thực phẩm giàu kali (bơ, chuối, cam…) bằng loại có hàm lượng kali thấp (táo, nho…) để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.6-8

2.3. Hạn chế natri vì nhiều natri có thể gây tích nhiều dịch

Natri có vai trò giúp giữ đủ lượng chất lỏng trong máu. Tuy nhiên, ở người bệnh thận mạn, việc bài tiết natri kém hơn rất nhiều so với người bình thường. Lúc này, việc tích trữ natri có thể làm tăng dịch tuần hoàn và gây tăng huyết áp. Sự ứ dịch lại làm tổn thương thận nhiều hơn và khiến tim làm việc vất vả hơn.2,3

Người bệnh có thể hạn chế lượng natri nạp vào bằng cách:2,3,5-8

- Hạn chế ăn muối

- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngâm chua…

2.4. Hạn chế phốt pho vì mất cân bằng phốt pho làm xương suy yếu

Khi thận suy có thể dẫn đến sự tăng phốt pho huyết làm xương yếu và dễ gãy. Hạn chế lượng phốt pho nạp vào có thể giúp ngăn ngừa vấn đề này.7

Người bệnh có thể giảm lượng phốt pho nạp vào bằng cách:6

- Hạn chế các loại hạt, đậu, bơ đậu phộng, phô mát, sữa…

- Có thể uống chất gây tủa phốt pho theo chỉ định của bác sĩ.

3.  Nhu cầu đạm ở bệnh nhân trước và sau lọc thận

3.1. Nhu cầu đạm trước khi lọc thận

Một chế độ ăn với quá nhiều protein có thể khiến thận làm việc nhiều và tổn thương nặng hơn. Do vậy, với bệnh nhân suy thận chưa lọc thận, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn hạn chế protein phù hợp với cân nặng, giai đoạn bệnh, lượng cơ bắp và yếu tố sức khỏe.2,3 Một số thực phẩm ít protein có thể sử dụng như bánh mỳ, trái cây, rau.3

3.2. Nhu cầu đạm sau khi lọc thận

Tuy nhiên, nhu cầu đạm cho bệnh nhân lại tăng cao khi bắt đầu có chỉ định lọc thận. Lúc này, người bệnh cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để bù đắp lượng protein đã mất trong quá trình lọc thận.9

Chế độ giàu các nguồn protein chất lượng cao, ít kali và phốt pho như cá, thịt gia cầm, thịt lợn nạc hoặc trứng được khuyến khích. Những người đang lọc thận nên ăn 225-280g thực phẩm giàu protein mỗi ngày.1,5-8

Như vậy, cá thể hóa nhu cầu dinh dưỡng là yếu tố không thể thiếu trong kế hoạch quản lý bệnh thận mạn, tùy theo giai đoạn bệnh và có lọc thận hay không. Vì vậy, cần thiết phải thăm khám định kỳ để được tư vấn dinh dưỡng kịp thời, đặc biệt khi mắc bệnh kèm cũng đòi hỏi chế độ ăn khắt khe như đái tháo đường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chronic kidney disease. Link. Truy cập: 5/10/2021.

2. American Kidney Foundation. Kidney diet and foods for chronic kidney disease (CKD). Link. Truy cập: 5/10/2021.

3. National Kidney Foundation. Dietary Guidelines for Adults Starting on Hemodialysis. Link. Truy cập: 5/10/2021.

4. Rysz J, et al. The Effect of Diet on the Survival of Patients with Chronic Kidney Disease. Nutrients. 2017;9(5):495.

5. MedLine Plus. Diet - chronic kidney disease. Link. Truy cập: 5/10/2021.

6. Diet for End-Stage Renal Disease (Dialysis): Care Instructions. Link. Truy cập: 5/10/2021.

7. American Kidney Fund. Kidney failure/ESRD diet. Link. Truy cập: 5/10/2021.

8. Eating & Nutrition for Hemodialysis. Link. Truy cập: 5/10/2021.

9. Marsha Wolfson. Management of Protein and Energy Intake in Dialysis Patients. JASN. 1999, 10 (10) 2244-2247.

Tin liên quan

EPA: Dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân ung thư
EPA: Dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân ung thư

Dinh dưỡng là một trong những phần thiết yếu để duy trì sự sống và phát triển của con người. Cơ thể cần được cung cấp năng lượng để đảm bảo cho các hoạt động mỗi ngày. Thế nên, vấn đề dinh dưỡng luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, nhất là với người bệnh nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng.

Dinh dưỡng: Yếu tố then chốt trong quản lý bệnh đái tháo đường
Dinh dưỡng: Yếu tố then chốt trong quản lý bệnh đái tháo đường

Việc giữ gìn lối sống lành mạnh, nhất là có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ổn định và hài hòa rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Bên cạnh việc kiểm soát cân nặng chặt chẽ, Hướng dẫn của Bộ Y tế cho người đái tháo đường nhấn mạnh việc lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm đa dạng dinh dưỡng nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát đường huyết.

Đạm thủy phân: Giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho người bệnh
Đạm thủy phân: Giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho người bệnh

Chất đạm protein thủy phân với ưu điểm dễ hấp thu vào cơ thể hơn, từ đó mang lại nhiều lợi ích rõ ràng hơn so với protein nguyên vẹn. Đạm thủy phân rất phù hợp để sử dụng cho người cao tuổi, người bệnh đang phục hồi, những người có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể những lợi ích của chất đạm protein thủy phân mang lại đối với sức khỏe nhé.

Về Orgalife Sản phẩm Blogs Mua ngay

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN 19006744

zalo messenger