Chào bạn, Bệnh nhân thận mạn (CKD) đã lọc máu chu kỳ thì thực phẩm dùng sẽ rộng hơn và yêu cầu lượng nhiều hơn, không cần kiêng khem quá như với người bệnh thận mạn điều trị bảo tồn.
Lượng protein theo khuyến nghị: 1.2-1.5g/kg/24h. Đạm cung cấp ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao, có đầy đủ acid amin thiết yếu, hạn chế các loại đạm có giá trị sinh học không cao, thường có nguồn gốc từ thực vật…
Người bệnh CKD đã lọc máu chu kỳ thường không cần hạn chế kali ngoại trừ có tình trạng tăng kali máu. Nên ăn các thực phẩm chứa ít kali như: bí đỏ, bí xanh, su su, bầu… Hạn chế các loại rau họ cải, rau ngót, rau muống, rau dền đỏ …
Giữ cân bằng lượng nước, nếu có phù, tiểu ít cần hạn chế dịch. Lượng nước hằng ngày cần uống = nước tiểu ngày hôm trước + 500ml.
Bên cạnh đó, do người bệnh bị tiểu đường nên cần lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI< 55), nên ăn các loại gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay gạo trắng, bún, phở, miến.
Ăn đa dạng các loại rau mỗi bữa nên ăn từ 300-400g rau xanh, các loại quả có chỉ số đường huyết (GI) thấp như thanh long, bưởi, ổi, cam, dưa chuột, củ đậu…
TS.BS. Phạm Đức Minh
Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân Y 103.
Chào bạn, sau 30 tuổi, cơ thể chúng ta bắt đầu có hiện tượng lão hoá và tăng dần cùng tuổi tác.
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương, dẫn đến tổn thương độ chắc của xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.
Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể bị loãng xương do giảm đột ngột hormon oestrogen, làm tăng nguy cơ hủy xương, giảm quá trình tạo xương.
Kết hợp với yếu tố nguy cơ khác như giảm vận động, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu đạm, thiếu canxi, hoặc tỷ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu đủ vitamin D.
Vì vậy để cải thiện sức khoẻ, cần có một chế độ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, giàu đạm, canxi và vitamin D. Bổ sung thêm nhiều trái cây và rau củ cung cấp thêm magie, kali hỗ trợ sức khỏe cho xương.
Độ tuổi 50, hiện tượng thiếu Canxi và vitamin D khá phổ biến. Nhu cầu caxi khoảng 1500mg/ngày, nhu cầu Vitamin D: 800-1000 IU/ngày.
Cần bổ sung thực phẩm giàu đạm, canxi như sữa, cua, trứng, cá, tôm, các loại đậu đỗ … và nên uống thêm sản phẩm dinh dưỡng bổ sung phù hợp lứa tuổi.
Nên duy trì chế độ vận động ngoài trời để tăng tổng hợp Vitamin D nhờ ánh nắng mặt trời.
TS.BS. Phạm Đức Minh
Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân Y 103.
Vâng, chào bạn, câu hỏi của bạn rất hay và thực tế.
Củng cố sức khỏe ở tuổi trung niên có thể dựa vào các phương pháp: duy trì lối sống lành mạnh, lao động vừa sức, hoạt động thể chất có kiểm soát, dinh dưỡng hợp lý và loại bỏ những thói quen xấu (hút thuốc và uống rượu).
Ở tuổi trung niên lượng calo trong khẩu phần cần đạt 30-35 kcal/kg/ngày, tuỳ theo tính chất công việc. Trong đó, chất đạm 12 -13%, chất béo 20- 25% và chất bột đường 55 -60%.
Nhu cầu các chất khoáng như canxi, magiê, kali, sắt, vitamin A, D, E, vitamin nhóm B cần đạt ở mức khá cao.
Ở tuổi này đã có thể xuất hiện các yếu tố nguy cơ bệnh tật, liên quan đến chế độ ăn không hợp lý (các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường týp 2, béo phì, thoái hóa cột sống, gút, các bệnh lý dạ dày tá tràng và nhiều bệnh lý khác), vì vậy dinh dưỡng cần phải hướng đến việc phòng ngừa các bệnh lý này.
• Bạn nên chọn các nguồn đạm có giá trị sinh học cao, phối hợp cả đạm động vật và thực vật.
• Nên hạn chế chất béo không tốt và chọn chất béo tốt (chưa no, có một hoặc nhiều nối đôi).
• Hạn chế đường đơn: từ bánh kẹo ngọt, đường…
• Nên ăn nhạt dưới 6g muối/ ngày.
• Tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin tự nhiên từ rau củ, trái cây.
• Bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất mỗi ngày.
• Kết hợp một chế độ luyện tập thể dục từ 30-60 phút/ ngày duy trì đều đặn và có lối sống lành mạnh, giữ tinh thần lạc quan, cân bằng, thoải mái và ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện sức khoẻ.
TS.BS. Phạm Đức Minh
Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân Y 103.